BÀI GIẢNG – CHÍ PHÈO – NAM CAO

Phần 1: Tác Gia Nam Cao

I. Vài nét về tiểu sử và con người

       Tên thật Trần Hữu Tri: (1915 – 1951)

      Quê làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Quê hương nghèo đói, đồng nhiều chiêm chũng, người dân phải tha phương cầu thực khắp nơi

       Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, cuộc sống hiện thực tàn nhẫn, là người con duy nhất trong gia đình được ăn học tử tế.

       Bản thân là một trí thức nghèo, luôn túng thiếu.

* Trước cách mạng:

      Học hết bậc thành chung, đi làm ở nhiều nơi: Sài Gòn, Hà Nội. Cuối cùng thất nghiệp, sống bằng nghề viết văn và làm gia sư.

      1943 tham gia Hội Văn hóa cứu quốc.

*  Sau cách mạng tháng Tám:

      Vừa viết văn vừa tham gia cách mạng.

      1946: tham gia đoàn quân Nam tiến.

      1950: tham gia chiến dịch Biên Giới.

      1951: hi sinh trên con đường đi công tác.

II. Sự nghiệp văn học

1. Quan điểm nghệ thuật

a. Trước cách mạng tháng Tám

      Nghệ thuật phải bám sát vào cuộc đời, gắn bó với đời sống nhân dân lao động.

    Nhà văn phải có đôi mắt của tình thương, tác phẩm văn chương hay, có giá trị phải chứa đựng nội dung nhân đạo sâu sắc.

      Văn chương nghệ thuật là lĩnh vực đòi hỏi phải khám phá, tìm tòi, sáng tạo.

      Lao động nghệ thuật là một hoạt động nghiêm túc, công phu; người cầm bút phải có lương tâm.

b. Sau cách mạng

Ông nêu cao lập trường, quan điểm của nhà văn: Nhà văn phải có con mắt nhìn đời, nhìn người – đặc biệt là người nông dân kháng chiến – một cách đúng đắn.

=> Nam Cao xứng đáng là một nhà văn hiện thực sâu sắc, có quan điểm nghệ thuật tiến bộ, mới mẻ so với nhiều nhà văn đương thời.

2. Các đề tài chính

a. Trước cách mạng

       Trước cách mạng tập trung hai đề tài chính

* Người tri thức nghèo: Nhà văn miêu tả tấn bi kịch tinh thần của những người tri thức nghèo trong xã hội cũ.

       Những tác phẩm tiêu biểu: Sống mòn, Đời thừa, Những chuyện không muốn viết, Giăng sáng, Quên điều độ, Nước mắt… 

       Nội dung: 

+      Tấn bi kịch tinh thần của những người tri thức tài năng, có hoài bão và nhân phẩm, nhưng lại bị gánh nặng của cơm áo, gạo tiền đè bẹp, phải sống mòn như một kẻ vô ích, một đời thừa

+     Cuộc đấu tranh kiên trì của những người tri thức nghèo trước sự cám dỗ của lối sống ích kỉ, để thực hiện lí tưởng sống, vươn tới một cuộc sống cao đẹp.

+     Diễn tả hết sức chân thực tình cảnh nghèo khổ, dở sống, dở chết của những nhà văn nghèo. Ông đi sâu vào những bi kịch tâm hồn họ để từ đó tố cáo xã hội chà đạp lên ước mơ con người:

       Giá trị: phê phán xã hội phi nhân đạo đã tàn phá tâm hồn con người. Qua đó nhà văn thể hiện niềm khao khát cuộc sống có ích, thật sự có ý nghĩa.

* Người nông dân nghèo:

       Những tác phẩm tiêu biểu: Chí Phèo, Một bữa no, Tư cách mõ, Lang rận, Lão Hạc, Dì Hảo, Nửa đêm, Mua danh, Trẻ con không biết ăn thịt chó…

       Nội dung.

+         Bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám: Nghèo đói, xơ xác, bần cùng.

+       Kết án đang thép xã hội bất công tàn bạo đã khiến cho một bộ phận nông dân nghèo đói bần cùng, lưu manh hóa. Quan tâm đến số phận hẩm hiu, bị ức hiếp, bị xô đẩy vào con đường cùng của tội lỗi. Ông lên tiếng bênh vực quyền sống, và nhân phẩm của họ (Chí Phèo, Lang rận, Lão Hạc, Dì Hảo…)

+       Chỉ ra những thói hư tật xấu của người nông dân, một phần do môi trường sống, một phần do chính họ gây ra (Trẻ con không biết ăn thịt chó, Rửa hờn…)

+         Phát hiện và khẳng định được nhân phẩm và bản chất lương thiện của người nông dân, cho dù bị xã hội vùi dập, bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính. (Chí Phèo)

=> Dù ở đề tài nào ông luôn day dứt đớn đau trước tình trạng con người bị bị xói mòn về nhân phẩm, bị huỷ diệt về nhân tính.

b. Sau cách mạng

       Sau cách mạng, Nam Cao là cây bút tiêu biểu của văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp. (Nhật kí ở rừng, Đôi mắt, tâp kí sự Chuyện biên giới…).

       Ông tham gia kháng chiến, tự nguyện làm anh tuyên truyền vô danh cho cách mạng. Các tác phẩm của ông thể hiện tình yêu nước và cách nhìn cuộc sống của giới văn nghệ sĩ với nhân dân và cuộc kháng chiến của dân tộc. Tác phẩm của ông luôn luôn là kim chỉ nam cho các văn nghệ sỹ cùng thời. 

3. Phong cách nghệ thuật

Là nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo:

+         Đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người.

+         Biệt tài phát hiện, miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật.

+         Rất thành công trong ngôn ngữ đối thoại và độc thoại nội tâm.

+         Kết cấu truyện thường theo mạch tâm lí linh hoạt, nhất quán và chặt chẽ.

+         Cốt truyện đơn giản, đời thường nhưng lại đặt ra vấn đề quan trọng sâu xa, có ý nghĩa triết lí về cuộc sống và con người xã hội. 

=> Ngòi bút của ông lạnh lùng, tỉnh táo, nặng trĩu ưu tư và đằm thắm yêu thương. Nam Cao được đánh giá là nhà văn hàng đầu trong nền Văn học Việt Nam thế kỷ XX.

III. Tổng kết

Ghi nhớ SGK.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *