BÀI. TRAO DUYÊN

(Trích Truyện Kiều)

NGUYỄN DU

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Xem lại mục Tìm hiểu về tác giả ở bài Đọc Tiểu Thanh kí.

2. Với tài nghệ miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật của Nguyễn Du, đoạn trích Trao duyên ca ngợi tình yêu sâu sắc của Thuý Kiều đối với Kim Trọng qua việc thể hiện nỗi đau đớn tột cùng mà nàng phải chịu đựng khi phải trao duyên; qua đó thể hiện lòng cảm thông, thương yêu sâu sắc của Nguyễn Du đối với con người “bạc mệnh”.

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Tìm hiểu xuất xứ

Đây là một trong những đoạn ở vị trí mở đầu cho cuộc đời lưu lạc đầy đau khổ của Thuý Kiều. Khi Vương Ông và Vương Quan bị bắt giam do có kẻ vu oan, Thuý Kiều phải bán mình làm vợ  Mã Giám Sinh để lấy tiền đút lót quan lại cứu cha và em. Việc nhà đã tạm yên, Kiều mới nghĩ đến tình duyên lỡ dở của mình. Trước hết, nàng nghĩ cho người mình yêu, phận mình dù thế cũng đành, nhưng cảm thấy có lỗi với Kim Trọng. Phải làm thế nào cho người yêu đỡ khổ, suy nghĩ mãi, trong đêm cuối cùng, nàng quyết định nhờ em thay mình trả nghĩa cho KimTrọng.

Trao duyên trích từ câu 723 đến câu 756 trong Truyện Kiều.

2. Tìm hiểu bố cục đoạn trích

Có thể chia đoạn trích làm hai đoạn nhỏ:

       Đoạn 1 (14 câu đầu): Thuý Kiều “trao duyên” cho Thuý Vân.

       Kiều nói với em về nỗi bất hạnh của mình.

       Nhờ em và trao kỉ vật tình yêu cho em.

       Soạn 2 (20 câu còn lại): Tâm trạng Kiều sau khi “trao duyên”.

+         Kiều mong muốn “trở về” gặp lại người yêu.

+         Kiều hướng đến sự đồng cảm với người yêu.

+         Tâm trạng tuyệt vọng của Kiều bởi mâu thuẫn trong tâm hồn nàng (tình yêu sâu nặng và sự chia biệt vĩnh viễn) vẫn không thể giải quyết.

3. Phân tích nghệ thuật xây dựng lời thoại và độc thoại của nhân vật

Đoạn trích là một đoạn lời thoại hoàn chỉnh của nhân vật. Nhưng tính chất đối thoại đổi thay dần theo diễn biến tâm lí và cảm xúc của Kiều. Thoạt đầu xưng hô “chị em”; nhưng từ dòng 15 đến dòng 26, Kiều cảm thấy hạnh phúc đời mình đến đây chấm dứt nên tự xưng mình là “người mệnh bạc”, “người thác oan”, “hồn”. Từ dòng 27 cho đến hết, Kiều như quên đang nói với em, chuyển sang nói với Kim Trọng đang vắng mặt, đó là lời đối thoại đau đớn với người yêu trong tưởng tượng. Dòng 27 – 28 là lời than, dòng 29 – 30 là lời nói với Kim Trọng trong tưởng tượng, dòng 31 – 32 lại là lời than, dòng 33 – 34 lại nói với Kim Trọng trong tưởng tượng. Ở đây, dấu hiệu độc thoại nội tâm là người đối thoại trực tiếp (Thuý Vân) không hiện diện nữa. Cho dù Thuý Vân vẫn còn ngồi ở đó, nhưng lời của Kiều không hướng tới nàng. Kiều lúc này chỉ sống với chính mình, với người yêu của mình nên lời nàng hướng vào nội tâm, thể hiện nỗi đau đớn đến quằn quại của riêng nàng. Ở vào trạng thái đau đớn đến cùng cực, người ta mất luôn ý thức về thực tại. Lời độc thoại này có tác dụng thể hiện trạng thái tâm lí ấy. Và giọng thơ từ chỗ đau đớn bỗng oà thành tiếng khóc: “Ôi Kim lang ! Hỡi Kim lang ! – Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !”

4. Bình luận về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ trong đoạn trích

Gợi ý: Nguyễn Du đã thể hiện một nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tinh tế, điêu luyện.

Thuý Kiều nhờ em gái là Thuý Vân thay mình lấy một người mà em chưa thực quen biết. Dù Thuý Vân tính tình đơn giản thế nào thì yêu cầu này cũng quá ư đột ngột, bởi đây là chuyện quan hệ đến cả một đời người. Vì thế lời của Kiều vừa trông cậy, vừa nài ép. Để thể hiện sắc thái này, Nguyễn Du đã rất công phu trong lựa chọn từ ngữ trong ngôn ngữ nhân vật: “cậy”, mời em “ngồi lên cho chị lạy”, rồi sẽ “thưa”,…

Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Kiều dùng “cậy” mà không dùng “nhờ” vì “cậy” có ý nói khó, vật nài buộc người khác phải nghe mình, không cho từ chối; còn nhờ thì tuỳ ý, không có ý nài ép. Kiều dùng “chịu lời” mà không nói “nhận lời”. “chịu lời” là nhận lời làm việc không do mình tự nguyện, hoặc một việc khó chối từ. Chữ “có” ở đây tuy được dùng với ý ướm hỏi cho lịch sự, nhưng thực chất là ép buộc: “Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”. Hai chữ “mặc em” nói rõ cái ý épbuộc. 

5. Bi kịch tình yêu của Kiều được thể hiện như thế nào trong đoạn trích?

Bi kịch ở đây được hiểu là tâm trạng của một người biết rất rõ, ý thức rất rõ về nỗi đau khổ của mình mà không có cách nào để giải thoát được. Với Thuý Kiều, bi kịch tình yêu là nỗi đau về sự tan vỡ tình yêu hoàn toàn do khách quan đ­ưa lại. Kiều thiết tha yêu Kim Trọng và mong muốn tình yêu được đẹp mãi, đã thề nguyền kết duyên trăm năm nhưng vì để cứu gia đình mà nàng phải phụ tình Kim Trọng. Biết rằng như thế sẽ rất đau khổ, trao duyên cho em cũng chỉ là một cách an ủi phần nào tình yêu với Kim Trọng mà thôi. Biết tr­ước đau khổ mà không có cách nào giải thoát. Đó là nguồn cơn tâm trạng bi kịch của nhân vật trong đoạn trích.

6. Bình luận nhan đề Trao duyên

       Chữ duyên theo giáo lí của nhà Phật là nguyên do tạo ra số phận, sau này được hiểu rộng hơn là sự định sẵn từ kiếp trước cho tình cảm của hai người (thường là tình cảm vợ chồng).

       Duyên là một khái niệm có tính chất vô hình, do đó trao duyên là một điều khó khăn, nhất là với những người có đời sống nội tâm sâu sắc như Thuý Kiều.  Trao duyên là một sự hi sinh rất lớn. Tr­ước đó Kiều đã hi sinh tình yêu để làm bổn phận người con hiếu thảo: “Làm con tr­ước phải đền ơn sinh thành”. Nay, trao duyên cho Vân là hi sinh tình yêu của mình vì hạnh phúc của người mà mình yêu. Do vậy, hành động của Kiều làm cho hình tượng nhân vật trở nên cao cả hơn, đẹp đẽ và đáng khâm phục hơn.

7. Phân tích tâm trạng Thuý Kiều thể hiện qua hai câu thơ:

Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung.

Trong màn kịch trao duyên, Thuý Kiều đã trao kỉ vật của tình yêu cho Thuý Vân, đó là tờ hoa tiên ghi lời thề nguyền của Kiều và Kim Trọng, chiếc vành tr­ước đây Kim Trọng trao cho Kiều làm của tin, bây giờ đều được trao lại cho Vân. Nhưng mâu thuẫn nảy sinh ở chi tiết, vật thì trao cho em “giữ” nhưng duyên thì muốn để lại làm “của chung”. Cũng có thể xem là mâu thuẫn giữa cảm xúc và lí trí. Về lí trí, Kiều muốn Kim Trọng được hạnh phúc nên gá nghĩa Thuý Vân cho chàng. Nhưng về tình, vì tình yêu của Kiều với chàng Kim sâu sắc quá nên không muốn trao gửi. Đây hoàn toàn là tâm lí của tình yêu sâu nặng và đích thực. Tình yêu sâu nặng mà vẫn phải trao duyên chứng tỏ sự hi sinh của Kiều rất lớn lao.

8. Tác giả đã khắc hoạ tâm trạng Kiều như thế nào sau khi “trao duyên”?

Nếu như phần trên của đoạn trích còn là sự đấu tranh giữa lí và tình, là sự hi sinh vì người mình yêu, thì đến đoạn cuối, sau khi trao duyên, Kiều đã nghĩ đến mình. Giọng điệu của đoạn thơ trở thành giọng điệu thương thân của chính nhân vật.

Kiều quan niệm trao duyên tức là đã mất Kim Trọng, như thế thì đời mình coi như cũng hết. Nghĩ đến tương lai, Kiều thấy cái chết hiện diện và khi đó oan hồn của bản thân sẽ theo gió tìm về chốn cũ:

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Và Kiều đã tưởng tượng oan hồn của mình sẽ cất lời cầu xin chân thành và tội nghiệp:

Rảy xin chén n­ước cho người thác oan

Nàng vô cùng đau khổ khi nghĩ đó là tương lai sắp tới mà mình không tránh được. Do đó, Kiều đã khóc, khóc một cách tuyệt vọng cho tình yêu ngắn ngủi của mình:

Bây giờ trâm gãy bình tan

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân

Tiếng khóc cho mối tình tan vỡ, tiếng khóc cho thân phận khổ đau cất lên từ nhân vật chính của tác phẩm đã đánh động tâm can bao người đương thời và hậu thế. Như thế, ở đây tiếp tục xuất hiện mâu thuẫn không thể giải quyết giữa tình yêu mãnh liệt và sự chia biệt vĩnh viễn, tức là giữa lí và tình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *